Các sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường năm 2023
Ngày 29/12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 4212/QĐ-BTNMT công bố các sự kiện của ngành tài nguyên và môi trường năm 2023.
Theo đó, có 8 sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2023, cụ thể là:
01. Trên 12 triệu lượt đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) gồm nhiều nội dung quan trọng, được cộng đồng đặc biệt quan tâm, kỳ vọng, một trong bộ luật thu hút được số lượng lớn, với hơn 12 triệu lượt góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thực tiễn cao. Đây thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi, rộng lớn của cả nước về sự kiện pháp lý quan trọng. Dự thảo Luật trình Quốc hội được đánh giá cao về chất lượng, sự công phu, thận trọng, xem xét kỹ lưỡng nhiều mặt, quyết tâm, kiên trì nghiên cứu, tiếp thu, giải trình để giải quyết các vấn đề lớn và khó; thể chế hóa các chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, tuân thủ Hiến pháp, đảm bảo tính đồng bộ thống nhất trong hệ thống pháp luật; phát huy nguồn lực đất đai, đưa đất đai thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp gần nhất.
Bên cạnh quá trình xây dựng, hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) và kịp thời tháo gỡ các nút thắt, khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách pháp luật về đất đai, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP với nhiều nội dung chính sách quan trọng, trong đó hướng dẫn cụ thể việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hội nghị góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Hà Nội
02. Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với nhiều nội dung mới, bước tiến lớn trong phương thức quản trị hiệu quả, bền vững tài nguyên nước
Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Quốc hội (khóa XV) thông qua gồm 10 Chương, 86 Điều; đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách lớn gồm đảm bảo an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước. Đặc biệt, thay đổi tư duy, phương thức quản trị, quản lý tổng hợp, thống nhất, bằng công cụ kinh tế trên nền tảng công nghệ số và hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định; đảm bảo hiệu quả an ninh nguồn nước quốc gia tiệm cận các nước tiên tiến trên thế giới.
03. Phân bổ, phát huy nguồn lực tài nguyên trong tầm nhìn dài hạn theo quản trị chiến lược
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Chiến lược tiến đến làm chủ công nghệ đo đạc bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; Đề án hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn và Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và nhiều chiến lược quy hoạch quan trọng khác, trong đó Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ khó, phức tạp, liên ngành cao đã lần đầu được thực hiện ở nước ta... Qua đó, đồng bộ với các chiến lược, quy hoạch quốc gia; nâng cao hiệu quả phân bổ, phát huy nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường bền vững trong tầm nhìn dài hạn theo xu hướng quản trị chiến lược.
04. Việt Nam công bố kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP tại COP28 lớn nhất lịch sử
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của hơn 140 quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh COP28 lớn nhất lịch sử, giới thiệu 12 biện pháp lớn Việt Nam thực hiện từ sau COP26, nhấn mạnh cần đa dạng hóa huy động nguồn lực từ các nước phát triển tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại COP28, Việt Nam công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); cùng cộng đồng quốc tế thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, phát thải ròng bằng 0. Đoàn Việt Nam đồng thời tổ chức thành công hàng loạt sự kiện bên lề, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao; đặt nền tảng thu hút nguồn lực, chuyển giao công nghệ thời gian tới.
Tại các diễn đàn, nghị sự quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu nhiều sáng kiến, ký kết thỏa thuận, chương trình hợp tác quan trọng, để lại nhiều dấn ấn tốt đẹp với cộng đồng quốc tế trong hoạt động về phát triển bền vững toàn cầu.
05. Đề xuất các giải pháp đột phá quản lý, phát triển bền vững tài nguyên và môi trường giai đoạn tới
Sau 10 năm tổ chức thực hiện, đã tổ chức tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều phương diện, xác định các xu hướng phát triển mới; là cơ sở để tham mưu đề xuất với Đảng ban hành các định hướng chiến lược, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đột phá, tổng thể nhằm quản lý, phát triển bền vững tài nguyên và môi trường giai đoạn tới. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, năng lượng bền vững gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
06. Chủ động ứng phó thiên tai cực đoan, bất thường do tác động kép của El Nino và biến đổi khí hậu
Dưới tác động kép của El Nino và biến đổi khí hậu làm cho năm 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử quan trắc, kỷ nguyên “Nung nóng toàn cầu” đã được Tổ chức Khí tượng thế giới cảnh báo. Tại Việt Nam giá trị nhiệt độ cao mức kỷ lục tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đạt cực trị 44,20C vào ngày 5/7 và là giá trị nhiệt độ trong ngày cao nhất trên cả nước đã từng được quan trắc (giá trị cũ 43,40C ghi nhận tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh ngày 20/4/2019). Thiên tai nắng nóng gây thiếu hụt nguồn nước trên diện rộng nửa đầu năm 2023 tác động mạnh đến sản xuất và đời sống. Mưa lũ cực đoan, thời đoạn ngắn diễn ra ở nhiều địa phương, điển hình đợt mưa lớn bất thường trên diện rộng, liên tục từ ngày 12 đến ngày 16/11 tại các tỉnh ven biển Trung Bộ với cường độ mưa trong 24 giờ ở một số nơi đạt đến gần 1.000 mm và lần đầu tiên ngành khí tượng thủy văn ban hành cấp độ rủi ro thiên tai cao nhất do mưa lớn (cấp 4) đối với địa bàn tỉnh Thừa - Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Tình trạng mưa lớn cục bộ, dồn dập trong thời gian ngắn là tác nhân chính gia tăng tình trạng sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng ở một số tỉnh, thành.
Ngành khí tượng thủy văn đã ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để: dự báo, cảnh báo sớm dài hạn các tác động của thiên tai; phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường; chủ động đảm bảo an ninh nguồn nước; góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai (thiệt hại về kinh tế giảm còn 1/3 so với trung bình nhiều năm trước), thúc đẩy phát triển bền vững đất nước và là cơ hội mới nâng cao hiệu quả, năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai thời gian tới.
07. Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn: Hướng đi cho phát triển bền vững
Diễn đàn kinh tế tuần hoàn 2023 chủ đề "Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn" đưa ra các giải pháp trọng tâm đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, sản xuất và tiêu dùng theo hướng xanh, bền vững; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường; ứng phó hiệu quả với thách thức khan hiếm nguồn tài nguyên, suy thoái, ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu. Từ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đến Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đã tạo ra bước đột phá trong kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
08. Dấu ấn chuyển đổi số, cải cách hành chính và phát triển ngành tài nguyên và môi trường địa phương
Là Bộ ngành tiên phong, tích cực thực hiện chuyển đổi số, xây dựng mô hình, cấu trúc Chính phủ điện tử và cải cách hành chính; xếp hạng 6/17 Chỉ số Cải cách hành chính (PAR index); 3/17 Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI); 2/17 Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT (ICT index). 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu (450/705 huyện đã có cơ sở dữ liệu); kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (461/705 quận/huyện; 6.198/10.599 phường/xã, tổng số hơn 26 triệu thửa đất). Cung cấp trên 100 dịch vụ công trực tuyến, trong đó trên 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình; 89 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia lĩnh vực tài nguyên và môi trường với đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, dân cư. Các trường thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường được chuyển đổi số, tích hợp, hỗ trợ hiệu quả các tương tác hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường các cấp.
Nhiều địa phương trên cả nước tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập cơ quan chuyên ngành tài nguyên và môi trường; khẳng định vị trí, vai trò tham mưu, hiến kế quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững của mỗi địa phương và đất nước./.