A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Ngày 19/8/2022, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung và quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nói riêng trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp, việc sử dụng đất đai ngày càng hiệu quả, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số trường hợp tổ chức, cá nhân tự ý nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, gom đất chờ quy hoạch, chờ dự án để trục lợi; đào, đắp, san lấp mặt bằng, trồng cây, xây dựng công trình trái phép trên diện tích đất thuộc diện giải phóng mặt bằng để nhằm trục lợi tiền bồi thường, hỗ trợ; san lấp hồ ao, đầm, bờ sông, lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; tự ý xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, tự ý chuyển đổi để sử dụng vào mục đích đất ở, đất có nhà ở, vườn ao...

Để chấn chỉnh công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh và ngăn chặn, chấm dứt tình trạng nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu:

Một là, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND huyện, thành phố:

Tiếp tục quán triệt thực hiện Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, kịp thời phát hiện các vấn đề chồng chéo, chưa đồng bộ, thiếu sót chưa phù hợp trong quy định của pháp luật để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản... công bố công khai về quy hoạch của địa phương để người dân hiểu và thực hiện, tránh bị lợi dụng, trục lợi.

Thực hiện nghiêm các Văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai và nội dung chỉ đạo của Chính phủ về công tác quản lý đất đai tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 03/5/2022; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 24/6/2021 của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai và các lĩnh vực khác có liên quan đến quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Khu đô thị xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình

Hai là, UBND huyện, thành phố:

Phân công cán bộ theo dõi địa bàn nắm tình hình đảm bảo xử lý nghiêm ngay từ cơ sở các vi phạm về sử dụng đất đai theo thẩm quyền, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, triệt để vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo các phòng, ban của UBND huyện, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ diện tích đất nông nghiệp tại địa phương đặc biệt là các diện tích đất đã quy hoạch các dự án phát triển kinh tế xã hội; thường xuyên rà soát tình hình quản lý sử dụng đất trên địa bàn và tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm minh kịp thời, đúng quy định pháp luật đối với các trường hợp hộ gia đình, cá nhân tự ý nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, gom đất chờ quy hoạch, chờ dự án để trục lợi; đào, đắp, san lấp mặt bằng, trồng cây, xây dựng công trình trái phép trên diện tích đất thuộc diện giải phóng mặt bằng để nhằm trục lợi tiền bồi thường, hỗ trợ; san lấp hồ ao, đầm, bờ sông, lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; tự ý xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, tự ý chuyển đổi để sử dụng vào mục đích đất ở, đất có nhà ở, vườn ao...

Khi giải quyết thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện thẩm định điều kiện, nhu cầu sử dụng đất ở và căn cứ vào quy hoạch chung, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt... (sau đây gọi chung là quy hoạch, kế hoạch); trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất có nhu cầu tách thửa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải thực hiện đúng quy định tại Quyết định số 17/2022/QĐ-UBND ngày 01/8/2022 của UBND tỉnh ban hành quy định về hạn mức công nhận, hạn mức giao đất, diện tích tối thiểu được tách thửa; việc rà soát, công bố công khai danh mục các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước trực tiếp quản lý, việc lấy ý kiến của người dân và công khai việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp tại địa phương để sử dụng vào mục đích công cộng hoặc giao, cho thuê cho người sử dụng đất liền kề trên địa bàn tỉnh. Có biện pháp ngăn chặn tình trạng nhận chuyển nhượng đất trồng lúa không đúng đối tượng để đầu cơ đất chờ quy hoạch.

Khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện các Dự án phải kiểm tra, rà soát kỹ nguồn gốc, quá trình hình thành từng diện tích đất, công trình xây dựng, cây cối, hoa màu; đảm bảo phê duyệt đúng theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện xác nhận nguồn gốc đất, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là quyền sử dụng đất và nhà ở theo đúng quy trình, thẩm quyền và quy định pháp luật; đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn đến từng thôn, khu phố và cộng đồng dân cư liên quan đến việc thực hiện các quy định pháp luật về đất đai.

Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng vi phạm nêu trên trên địa bàn huyện, thành phố quản lý mà không có biện pháp xử lý dứt điểm vi phạm ngay từ khi mới phát sinh.

Ba là, Sở Tài nguyên và Môi trường:

Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất theo quy định.

Chỉ đạo cán bộ theo dõi địa bàn thường xuyên đi cơ sở, hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã xử lý vướng mắc, tồn tại, bất cập về đất đai và xử lý vi phạm kịp thời, triệt để các vi phạm từ khi mới phát sinh.

Bốn là, Sở Xây dựng:

Hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện nghiêm túc Quyết định số 31/2021/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 của UBND tỉnh ban hành Quy định phân cấp, phân công quản lý hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm minh, kịp thời, dứt điểm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Năm là, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Quản lý chặt chẽ diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt chú trọng trong các khu, vùng chuyển đổi.

Sáu là, Thanh tra tỉnh:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thuộc tỉnh tham mưu UBND tỉnh giao nhiệm vụ và thực hiện thanh tra đột xuất các ngành, địa phương các vụ việc có dấu hiệu vi phạm, dư luận xã hội phản ánh tình trạng hộ gia đình, cá nhân tự ý nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, gom đất chờ quy hoạch, chờ dự án để trục lợi; đào, đắp, san lấp mặt bằng, trồng cây, xây dựng công trình trái phép trên diện tích đất thuộc diện giải phóng mặt bằng để nhằm trục lợi tiền bồi thường, hỗ trợ; san lấp hồ ao, đầm, bờ sông, lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; tự ý xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, tự ý chuyển đổi để sử dụng vào mục đích đất ở, đất có nhà ở, vườn, ao...

Bảy là, Sở Tư pháp:

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, các cơ quan đơn vị có liên quan thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai với nội dung thiết thực, hình thức phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế của địa phương.

Tám là, Công an tỉnh:

Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, tham mưu chấn chỉnh những tồn tại, sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai và tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật đất đai.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng, UBND huyện, thành phố, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm, kịp thời, triệt để các vi phạm về quản lý, sử dụng đất theo quy định của Bộ Luật Hình sự.

Thường xuyên phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hệ thống các hành vi vi phạm để làm cơ sở xử lý những trường hợp có dấu hiệu tội phạm.

Chín là, các sở ngành, đơn vị có liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý đất đai theo quy định của pháp luật.

Mười là, đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể thuộc tỉnh tăng cường chức năng giám sát và phản biện xã hội trong việc phát hiện vi phạm, kiến nghị hoặc chuyển thông tin vi phạm pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Nhận Chỉ thị này, yêu cầu các Giám đốc Sở, Thủ trưởng ban, ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và đề nghị các đoàn thể thuộc tỉnh khẩn trường triển khai thực hiện./.


Tác giả: VP ĐKĐĐTB
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 193
Hôm qua : 2.816
Tháng 10 : 22.184
Năm 2024 : 988.472